Review App Diễn Viên Phim Kinh Dị

Review App Diễn Viên Phim Kinh Dị

Nhắc tới phim kinh dị Việt Nam thì nhiều người sẽ nghĩ đến ngay ProductionQ với bộ đôi nhà sản xuất Hoàng Quân và đạo diễn Trần Hữu Tấn. Cả hai đứng sau những bộ phim như Bắc Kim Thang (2019), Rừng Thế Mạng (2021), Chuyện Ma Gần Nhà (2022) hay Kẻ Ăn Hồn (2023). Điểm chung giữa các tác phẩm này là phần sản xuất luôn chỉn chu nhưng kịch bản chưa thật sự tốt. Cám đánh dấu sự tiến bộ của cả hai nhà làm phim nhưng vẫn còn một số vấn đề phải bàn.

Bối cảnh và yếu tố kinh dị được đầu tư công phu

Với kinh nghiệm từ Tết Ở Làng Địa Ngục và Kẻ Ăn Hồn, một bộ phim kinh dị cổ trang như Cám có lẽ không quá khó với nhà sản xuất Hoàng Quân và đạo diễn Trần Hữu Tấn. Phim có sự đầu tư bài bản trong bối cảnh và trang phục. Từ căn nhà của lý trưởng Hai Hoàng, ngôi làng của Tấm và Cám hay hoàng cung của Thái tử (Hải Nam) được phục dựng rất chân thật. Trang phục của từng nhân vật đều đậm chất lịch sử Việt. Mỗi hoa văn, đường kim mũi chỉ, cách phối màu cho thấy sự chăm chút và kỹ lưỡng của ê-kíp.

Nhiều nét văn hóa dân gian nước nhà cũng được tái hiện trong phim như các bài vè, đồng dao, hát đối đáp giữa các đôi trai gái. Hình ảnh lễ hội với hàng loạt trò chơi dân gian như đánh cờ người, đánh đu, đấu vật, món ăn đặc sản… vô cùng quen thuộc với các làng quê Bắc Bộ.

Ngoài ra, sự chỉn chu của Cám còn được thể hiện qua cách tạo hình cho nhân vật. Giống Tết Ở Làng Địa Ngục và Kẻ Ăn Hồn, gương mặt dị dạng của Cám hay tạo hình ác quỷ trong phim lần này đều được thực hiện bằng cách hóa trang thay vì kỹ xảo. Vì thế mà chúng nhìn thật và đáng sợ hơn gấp bội. Những hồn ma với gương mặt máu me, biến dạng kết hợp cùng phần ánh sáng mờ ảo, âm thanh rùng rợn đủ để gây kinh hãi cho người xem.

Song, thứ đáng sợ nhất của Cám chính là những cảnh giết chóc máu me nặng đô. Ngay từ đầu, phim đã gây sốc với hình ảnh Bạch Lão ăn sống một vật tế. Những cảnh này xuất hiện xuyên suốt thời lượng với tần suất ngày càng nhiều. Cuối phim là một trường đoạn hù dọa, giết chóc liên hoàn khi Cám "hắc hóa" tàn sát cả làng. Những cái chết đều theo hướng kinh hoàng nhất có thể, bị lột da mặt, moi ruột gan… Đạo diễn Trần Hữu Tấn dường như "chơi tới bến" với rất nhiều "máu, thịt", đủ để gây ám ảnh cho những ai yếu tim.

Dù đạo diễn Trần Hữu Tấn có sự lên tay rõ rệt so với Kẻ Ăn Hồn, thế nhưng phim vẫn còn một vài hạt sạn đáng tiếc. Phim được quay ở Quảng Trị và Huế. Trong một vài cảnh quay, dân làng nói tiếng miền Trung. Song, toàn bộ gia đình Hai Hoàng lại nói giọng Nam còn Bờm lại nói giọng Bắc. Việc lồng tiếng cho nhiều nhân vật gây tụt mood khi khẩu hình và âm thanh phát ra đôi khi không trùng khớp. Phần lời thoại pha trộn giữa hiện đại và cổ trang một cách khó hiểu. Nhạc phim không thật sự hay, nhiều lúc còn lồng ghép khá lạc quẻ.

Diễn xuất xuất sắc của Lâm Thanh Mỹ và sự lột xác của Rima Thanh Vy

Lâm Thanh Mỹ là cái tên không còn xa lạ với khán giả yêu thích dòng phim kinh dị. Cô bé từng "gây bão" một thời khi có màn trình diễn xuất thần trong Đoạt Hồn (2014) khi chỉ mới 9 tuổi. Với Cám, một lần nữa nữ diễn viên sinh năm 2005 cho thấy mình xứng đáng với danh hiệu "thiếu nữ đáng sợ nhất màn ảnh Việt". Ban đầu, Cám của Lâm Thanh Mỹ là một cô gái nhút nhát, luôn tự ti bởi gương mặt dị dạng của mình. Dù bị đánh đậm, đối xử tàn nhẫn, cô vẫn chịu đựng và thèm khát tình yêu của cha. Cám hiền đến mức bị thương nhưng không được cha cho thuốc xoa, còn bị mẹ đánh thêm nhưng chỉ biết khóc. Song, Cám cũng không vì muốn cha thương mình mà tìm cách ám hại chị Tấm.

Thế nhưng, mọi thứ thay đổi 180 độ khi Cám bị ác quỷ chiếm hữu. Lúc này, không ai còn nhận ra nhân vật này nữa. Từ cách nói chuyện, chất giọng, ánh mắt, cử chỉ, hành động đều nhuốm màu tà ác. Giọng cười tàn bạo, gương mặt không biến sắc khi giết người đủ để khán giả phải ớn lạnh. Không thể ngờ Lâm Thanh Mỹ đã có màn hóa thân xuất sắc đến thế, thể hiện được hai mặt của Cám như hai nhân vật hoàn toàn khác biệt.

Diễn xuất của Rima Thanh Vy cũng ấn tượng không kém. Trên thực tế, nữ diễn viên sinh năm 1995 từng vào vai một cô gái bị ma nhập rất tốt trong Mười: Lời Nguyền Trở Lại (2022). Ban đầu, Tấm có lối trang điểm nhợt nhạt, cho thấy tính cách đơn thuần, hiền lành của nhân vật. Càng về sau, cô càng tô son, đánh phấn đậm hơn, cùng với đó là nét diễn càng sắc sảo, thâm hiểm cho đến khi cú lật bất ngờ ập đến. Tương tác giữa Rima Thanh Vy và Lâm Thanh Mỹ cũng rất ngọt, cho thấy được tình cảm chị em vô cùng quan trọng trong cốt truyện.

Dàn diễn viên tên tuổi còn lại trong phim như Thúy Diễm, Quốc Cường, NSƯT Ngọc Hiệp, Doãn Hoàng… đều tròn vai. Trên thực tế, mỗi nhân vật trong Cám đều được xây dựng tính cách rõ rệt. Ai nấy đều có câu chuyện, có tâm sự và nỗi khổ riêng. Không một ai thật sự tốt hay xấu mà chỉ là một lằn ranh mong manh, trắng hay đen đều không rõ ràng mà chỉ là màu xám khó phân biệt mà thôi.

Làm phim kinh dị đã khó, làm phim kinh dị cổ trang từ một câu chuyện cổ tích tuổi thơ còn khó hơn gấp bội. Song, nhà sản xuất Hoàng Quân và đạo diễn Trần Hữu Tấn đã dám tiên phong trong thể loại này và cho ra một tác phẩm chỉn chu, bài bản. Nếu khắc phục được một vài điểm trừ, cả hai có thể tạo ra được một "vũ trụ kinh dị cổ tích" độc nhất vô nhị trên màn ảnh rộng.

Làm mới câu chuyện cổ tích quen thuộc

Tấm Cám có lẽ là câu chuyện cổ tích mà ai ai cũng thuộc nằm lòng. Không những vậy, tác phẩm còn xuất hiện trên sân khấu kịch, quảng cáo hay đã có phiên bản điện ảnh Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể (2016) của Ngô Thanh Vân. Mọi người đều quen thuộc với hình ảnh nàng Tấm dịu dàng, hiền lành, bị Mẹ Kế và Cám bắt nạt. Cô lén nuôi cá bống, muốn đi hội đình nhưng bị bắt lựa thóc ra thóc, gạo ra gạo. Được bụt giúp đỡ, Tấm thử hài rồi trở thành Hoàng hậu nhưng rồi lại liên tiếp bị hai mẹ con Cám sát hại, hết biến thành chim vàng anh rồi cây gỗ xoan, quả thị…

Những chi tiết quen thuộc này đều xuất hiện trong Cám nhưng được đạo diễn Trần Hữu Tấn khéo léo kể lại dưới góc nhìn đen tối và khác lạ hơn. Nguồn cơn dường như đến từ quả báo với giao kèo ác quỷ khiến Cám sinh ra đã dị dạng. Cô bé mới là đứa con bị ghẻ lạnh, bị mẹ bắt lựa thóc gạo. Cám lừa Tấm ngụp xuống ao nhưng là để nhường cá tôm bắt được cho chị. Cô bé cũng lén nuôi cá bống để bầu bạn vì chẳng ai dám lại gần….

Đây là điểm nhấn giúp khán giả vừa dễ dàng thấy và hiểu được những chi tiết quen thuộc từ câu chuyện từng được học, được cha mẹ kể nghe từ bé nhưng vẫn không đoán biết được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Cũng nhờ cách làm mới này mà phim có khá nhiều nút thắt bất ngờ, khiến người xem khó mà phân biệt được ai mới là kẻ xấu, ai mới là người tốt thật sự hay những gì mà con người lẫn ác quỷ đang toan tính.

Tuy nhiên do tham vọng xây dựng tính cách và câu chuyện riêng cho từng nhân vật mà Cám có phần dài dòng, lê thê. Những hạt sạn logic cũng bắt đầu từ đây. Nhiều vấn đề có thể được giải quyết từ rất sớm nhưng bị ngó lơ để tạo ra tình huống quỷ trả thù gia tộc Hai Hoàng khá gượng ép. Khi Tấm về thăm nhà thì dẫn theo rất nhiều binh lính nhưng họ biến mất một cách bí ẩn lúc cần thiết rồi lại bất ngờ xuất hiện.

Tính cách, tâm lý của các nhân vật đôi khi rất khó hiểu. Ví dụ như khi Hai Hoàng biết Cám bị quỷ nhập nhưng không hề có đối sách cụ thể. Tấm vì hiền lành và thương em nên có nhiều hành động khó hiểu, phi lý. Lẽ ra, đạo diễn Trần Hữu Tấn nên mạnh tay cắt bớt và "làm xấu" một vài nhân vật để tác phẩm thêm gọn gàng.